Sau thời khắc Giao thừa, người Việt Nam thường đi đến chùa để thắp hương ngày đầu năm mới cầu an, cầu lộc. Sân đình, sân chùa bỗng chốc rực sáng ánh đèn, ánh nến và hương khói nghi ngút tỏa ra. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nét đẹp trong văn hóa đi chùa ngày Tết của dân tộc nhé!
Đầu Xuân nên đi lễ chùa vào ngày nào?
Người Việt chúng ta tin rằng việc đi lễ đầu năm mới không chỉ để cầu nguyện mà còn là thời khắc để mỗi người có thể bỏ lại những toan tính trên dòng đời, tâm an hơn. Mỗi người đến chùa chiền ngày đầu năm để cầu những điều riêng, có người cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, cầu tình duyên,…

Nhiều người có thói quen đi chùa thường xuyên, hàng ngày nhưng cũng có nhiều người chỉ đi lễ chùa dịp cuối năm hoặc đầu Xuân. Mỗi thời điểm đi lễ chùa sẽ mang những ý nghĩa riêng. Việc đi chùa ngày Tết là để có thể cầu mong một năm mới an lành, may mắn và thành đạt.
Ngoài ra, người ta đi chùa mùng 1 để cầu mong cho cả tháng, cả năm được bình an, mọi chuyện được thuận buồm xuôi gió. Trong khi đi chùa ngày Rằm với quan niệm là mặt trăng – mặt trời nhìn rõ nhau nên những lời cầu nguyện sẽ được tổ tiên, ông bà chứng giám.
Nên đi lễ ở chùa hay đền trước cũng là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn. Theo chúng tôi tìm hiểu, đi chùa hay đến đền trước thì đều được bởi đây đều là những địa điểm được coi trọng trong tín ngưỡng của người theo Phật giáo. Để cầu sức khỏe, cầu an cho bản thân hoặc những người thân yêu thì bạn có thể đi lễ ở chùa hay đền trước đều được.
Đi chùa ngày Tết theo thứ tự như thế nào, cách sắm lễ khi đi chùa
Không chỉ có một cái tâm trong sạch, hướng thiện khi về chùa bạn cần chuẩn bị những kiến thức cơ bản khi đi hành lễ. Điều này sẽ giúp bạn không bị bỡ ngỡ khi đến chùa ngày đầu năm và cũng tránh vô ý phạm lỗi với bề trên, đức Phật.

Thứ tự hành lễ khi đến chùa
Khi đến chùa, bạn có thể hành lễ với các bước như sau:
Bước 1: Đặt lễ vật của mình lên ban và thắp hương tại bàn thờ Đức Ông.
Bước 2: Đặt lễ lên hương án tại chính điện chùa và thắp đèn, hương nhang (có thể nhờ các sư ông hoặc người quản chùa thỉnh 3 hồi chuông) và làm lễ với chư Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát,
Bước 3: Thắp hương và khấn vái tại các ban thờ khác nên thành tâm khấn vái và nên đặt lễ theo số lẻ. Nếu chùa đó có điện thờ Mẫu, thờ Tứ Phủ thì bạn cũng nên đặt lễ và dâng hương.
Bước 4: Lễ ở nhà thờ Tổ (nhà thờ Hậu).
Bước 5: Có thể đến nhà tiếp khách để thăm hỏi, chúc Tết các nhà sư của chùa.
Cách sắm lễ đi chùa ngày Tết
Dâng lễ lên hương án, các ban là tùy tâm của từng người và không có ngôi chùa nào bắt buộc người đến hành hương phải cúng dường, dâng lễ giá trị bao nhiêu. Bạn có thể sắm lễ dâng lên theo điều kiện của bản thân mình, tuy nhiên nên sắm lễ chay (bánh kẹo, hoa quả, chè,…) và dâng hương chứ không nên sắm lễ mặn nhé!

Mâm ngũ quả lễ chùa bao gồm các loại quả cơ bản như: phật thủ, thanh long, nho, xoài. dứa, táo, cam, dưa hấu,… Còn hoa lễ chùa thì nên dùng hoa tươi (huệ, sen, cúc, mẫu đơn,…) và không nên dùng hoa giả, hoa dại.
Cách bày các lễ sao cho đúng nhất
Khi đi chùa ngày Tết, lễ nào đặt ở ban nào cũng khá quan trọng và có một số quy tắc để làm theo. Cụ thể:
Ban Tam Bảo: Khi bày lễ cần phải đủ 5 món lễ gồm hương – nến – hoa – quả- nước (nếu thiếu cũng không sao nhưng nên dâng theo số lẻ). Tránh để tiền thật, tiền vàng, hàng mã hoặc đồ lễ mặn lên ban Tam Bảo.
Các ban thờ khác (ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền, ban vong,…) có thể đặt lễ cho phù hợp với nguyện vọng của mình hoặc chỉ cần thắp 3 nén hương và khấn vái. Ban thờ Đức Ông, Mẫu, Thánh thì chúng ta có thể bày lễ mặn (lễ tam sinh gồm có thịt gà – giò – chả), tiền vàng mã và tiền âm phủ.
Đi chùa ngày Tết sao cho đúng cách?
Những hình ảnh đi chùa ngày Tết chính là một trong những nét đẹp văn hóa được các thế hệ người Việt gìn giữ. Để thanh lịch và tránh những điều sai trái khi đến cửa Phật, bạn cần lưu ý một số điều về lời ăn tiếng nói, trang phục,… nhé!

Nên mặc gì khi đi chùa?
Đền chùa miếu mạo vốn là những nơi linh thiêng, nơi thờ tụng Đức Phật, chư Tăng hoặc thờ Mẫu, Đức Ông, thánh thần,… nên người đi lễ chùa phải ăn mặc kín đáo, lịch sự:
Trang phục đi chùa ngày Tết có màu sắc nhã nhặn, nên chọn đồ có cùng tone màu với áo lam, áo tràng của Phật tử để thể hiện lòng thành kính và tăng sự giản dị, điềm đạm khi đến cửa đền, cửa chùa.
Nếu không có quần áo lam, nên mặc những chiếc áo sơ mi cổ cao, áo dài, vải áo không mỏng quá dễ gây phản cảm, trang phục nên gọn gàng, thuận tiện trong quá trình lễ chùa.
Không mặc gì khi đến chùa chiền?
Một số trang phục tuyệt đối tránh khi muốn đi lễ chùa gồm:
Những bộ quần áo hở hang, vải quá mỏng, xuyên thấu.
Không mặc những trang phục bó sát, váy ngắn khi lễ chùa ngay cả khi chúng không hề hở hang nhưng vẫn gây phản cảm trong ngưỡng cửa đền chùa.
Không mặc quần lửng, quần đùi, váy, quần tất lưới đi chùa,… vì thiếu tôn kính, tôn nghiêm tại nơi thờ Thánh thần, chư Phật.
Đi chùa ngày Tết vào giờ nào?

Đền chùa không quy định ngăn cản mọi người ghé đến vào buổi chiều, buổi tối. Do đó, nếu ban ngày quá bận rộng thì bạn có thể sắm lễ và thành tâm lễ chùa vào buổi tối.
Trong những ngày Tết, bạn cùng gia đình có thể ghé thăm chùa, đền vào bất cứ thời gian nào kể từ sau thời khắc sang canh, sáng sớm mùng 1, mùng 2, mùng 3,… Ngưỡng cửa chùa chiền luôn mở rộng để chào đón mọi người đến du Xuân, lễ Phật đầu năm. Và bạn chỉ cần nhớ, thành tâm và ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm khi lễ chùa, lễ đền.
Xem thêm:
Đi chúc Tết sao cho đúng và không phạm kiêng kỵ đầu năm?
Tổng hợp các món ăn ngày Tết cổ truyền đặc biệt của mỗi miền Bắc – Trung – Nam
Cập nhật lịch nghỉ Tết 2023 mới nhất kéo dài bao nhiêu ngày?
Đi chùa ngày Tết chúng ta nên cầu gì?
Người ta đến chùa thường cầu an, cầu tài, cầu lộc, công danh hoặc tình duyên… Nhưng chùa chiền vốn là nơi linh thiêng, nếu ai đến chùa cũng cầu mong mọi thứ thì dường như việc lễ chùa đầu năm sẽ mất đi ý nghĩa và nét đẹp vốn có của phong tục này.
Chúng ta nên đến chùa để sám hối, mong cơ hội sửa chữa, làm việc thiện, cầu an. Sau khi khấn nôm danh xưng, địa chỉ,… thì người lễ chùa nên cầu Phật phù hộ quốc thái dân an, gia đạo bình an và khỏe mạnh, công việc hanh thông, con cái ngoan ngoãn, thiện duyên,… Cuối cùng là nên nguyện hồi hướng công đức cho những người đã khuất, chúng sinh ở bên kia được siêu thoát.

Bạn không nên nguyện thời gian mang gạo tiền cúng chùa, không nên cầu tiền bạc, vật chất, không nguyện cúng dường cảnh giới tiên, cảnh giới trần, cảnh giới âm,…
Kết luận
Như vậy, việc đi chùa ngày Tết là một trong những phong tục, nét văn hóa tâm linh vô cùng đẹp của người Việt từ xa xưa. Bạn có thể ghé thăm những ngôi đền, ngôi chùa tại địa phương trong những ngày đầu Xuân để cầu nguyện những điều an lành sẽ đến với bản thân, gia đình và tất cả mọi người!