Dầu gấc chứa cả “kho tàng” dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của cả người lớn và trẻ em. Chính vì vậy, đây là lựa chọn lý tưởng của các mẹ Việt khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm. Nếu lo ngại sản phẩm mua không đảm bảo chất lượng thì các mẹ hãy tham khảo cách làm dầu gấc tại nhà dưới đây nhé!
Tác dụng của dầu gấc đối với trẻ em
Từ kết quả thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nước ta có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đặc biệt, những vi chất giúp trẻ phát triển toàn diện như vitamin A và E thì con số này lên tới 70%.
Trong quả gấc rất giàu vitamin A và E, lượng beta-caroten cao gấp nhiều lần so với cà rốt. Chất này giúp cơ thể tăng sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn. Ngoài ra, gấc cũng chứa lượng lớn omega-3, omega-6, và lycopen – một chất chống oxy hóa tuyệt vời.

Khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn có thể trộn thêm dầu gấc khi nấu cháo, bột cho bé. Bổ sung đủ dưỡng chất sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đặc biệt, lượng omega-3 sẽ giúp bé hoàn thiện các cơ quan của hệ thần kinh. Nhờ đó, bé sẽ thông minh hơn, khả năng tiếp nhận và nhớ thông tin tốt hơn. Vitamin trong gấc rất tốt cho sự hoàn thiện sức khỏe mắt và ngăn ngừa một số bệnh liên quan.
Không chỉ vậy, dầu gấc còn hỗ trợ các mẹ sau sinh chăm sóc da rất hiệu quả. Mẹ có thể dùng dầu gấc để massage mỗi tối để loại bỏ nám. Hoặc đắp mặt nạ dầu gấc để giúp da sáng mịn và giảm nếp nhăn.
👉 Xem thêm: Dầu gấc có những tác dụng gì? Cách làm dầu gấc nguyên chất an toàn
Cách làm dầu gấc cho bé đơn giản
Cách làm dầu gấc cho bé ăn dặm từ quả gấc tươi
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 quả gấc chín: Bạn nên chọn quả già, màu cam đỏ, gai nở đều và cầm chắc tay.
- Dầu ăn (có thể thay bằng dầu dừa, dầu oliu,…)
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế quả gấc
Gấc sau khi mua về thì đem rửa sạch, bổ đôi quả gấc để lấy phần màu đỏ bên trong. Để phần thịt gấc này vào trong tủ lạnh hoặc phơi 1 nắng cho khô lại rồi mới thực hiện bước tiếp theo.

Bước 2: Tách thịt gấc ra khỏi hạt
Khi thấy phần thịt gấc khô thì bạn đeo bao tay vào và bắt đầu tách lấy phần thịt bao quanh hạt. Một trái gấc có khá ít thịt nên bạn cần tách kỹ và sạch nhé. Thịt dính trên hạt là phần giàu DHA nhất và có nhiều dầu hơn.
Bước 3: Lấy tinh dầu
Bạn bắc chảo lên bếp, khi thấy nó nóng thì cho thêm vào đó khoảng 400ml dầu ăn. Nên sử dụng dầu oliu, dầu thực vật và không dùng dầu động vật vì không có lợi cho sức khỏe bé.
Khi dầu sôi thì bạn cho thịt gấc vừa tách xong vào rồi đảo đều tay để tránh gấc bị cháy. Bạn chỉ nên đun với nhiệt độ khoảng 70 độ C để gấc giữ nguyên được hàm lượng dưỡng chất. Đảo như vậy thêm 10 – 15 phút thì thịt gấc sẽ bắt đầu tiết dầu.
Bước 4: Lọc dầu
Sau khi đun xong, bạn để hỗn hợp nguội rồi sử dụng khăn hoặc rây lọc để lọc lấy dầu. Bạn có thể lọc lại nhiều lần để dầu không còn cặn và trông đẹp mắt hơn.

Cách làm dầu gấc bằng lò vi sóng
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 quả gấc chín
- Dầu ăn, dầu dừa hoặc ô-liu
- Lò vi sóng
- Máy xay sinh tố
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế quả gấc
Quả gấc sau khi mua về thì rửa sạch vỏ và bổ đôi. Tách lấy phần hạt gấc màu đỏ có cả phần màng thịt. Tiếp theo, bạn tách riêng phần màng thịt gấc ra khỏi hạt vỏ gỗ.
Bước 2: Sấy khô bằng lò vi sóng
Bạn đem phần màng thịt đi phơi khô hoặc cho vào lò vi sóng. Chỉnh lò vi sóng hoạt động ở công suất thấp và sấy gấc trong khoảng thời gian dài cho khô. Đồng thời, bạn cần trở mặt cho đều để gấc không bị cháy hoặc biến chất.
Gấc sau khi sấy khô thì cắt nhỏ hoặc giã vụn bằng chày cối.
Bước 3: Nấu dầu gấc
- Bạn cho chảo lên bếp đến khi nóng lên thì cho dầu ăn (dầu oliu, dầu dừa,…) vào và đun nóng vừa phải.
- Cho màng thịt gấc vào đun với nhiệt độ vừa phải khoảng 10 – 15 phút.
- Để nguội và cho vào lọ để bảo quản sử dụng dần.

Cách nấu dầu gấc cho bé không cần dầu ăn
Những cách trên đều sử dụng dầu ăn để làm dầu gấc. Vậy không sử dụng dầu ăn thì có làm được dầu gấc không? Chắc chắn là được bạn nhé, cách làm dầu gấc không cần dầu ăn cũng khá đơn giản với các bước như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Gấc chín: Nên chọn loại gấc nếp già, không bị dập, chín đỏ và thịt gấc đỏ tươi.
- Rượu gạo (tỷ lệ thịt gấc và rượu gạo là 300g thịt gấc với 450ml rượu gạo)
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế quả gấc như các bước trên: Rửa sạch, bổ đôi và tách lấy toàn bộ phần ruột gấc. Phơi phần ruột gấc ngoài nắng, sấy hoặc cho vào tủ lạnh đến khi màng thịt khô và se vào hạt.
Bước 2: Phần ruột gấc sau khi phơi khô thì tách lấy màng thịt bao quanh hạt gấc màu nâu. Ngâm phần màng thịt với rượu gạo khoảng 3 tiếng.
Cách bảo quản dầu gấc lâu và an toàn
Sau khi làm dầu gấc cho bé thành công thì mẹ cũng cần chú ý đến cách bảo quản. Để dầu gấc sử dụng được lâu và chất lượng không bị giảm sút thì bạn có thể bảo quản như sau:

- Bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo: Các mẹ nên cho dầu gấc vào lọ thủy tinh và đóng kín nắp. Bảo quản chúng với nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng mặt trời.
- Bảo quản trong tủ lạnh: Với cách bảo quản này thì dầu gấc có thể sử dụng được trong 1 tháng mà chất lượng không bị giảm sút.
Cách sử dụng dầu gấc cho bé
- Các mẹ chỉ nên cho bé sử dụng dầu gấc khoảng 3 – 4 lần trong 1 tuần. Nếu quá lạm dụng thì sẽ khiến bé bị thừa vitamin A gây triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,… Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ ảnh hưởng đến gan và khả năng kiểm soát hệ thần kinh trung ương.
- Không sử dụng dầu gấc cùng lúc với bí đỏ, cà rốt,… bởi chúng thuộc nhóm thực phẩm giàu beta carotene.
- Không sử dụng dầu gấc cho việc chiên, rán thức ăn. Bởi vi, beta-carotene trong dầu gấc sẽ bị phá hủy khi gặp nhiệt độ cao.
- Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bé từ 1 – 3 tuổi chỉ nên sử dụng tối thiểu 2.000IU vitamin A mỗi ngày. Còn bé từ 4 – 8 tuổi thì là 3.000IU.
Chắc hẳn các mẹ đều đã nắm rõ những cách làm dầu gấc cho bé tại nhà đơn giản và nhanh chóng. Mong rằng, các mẹ sẽ thành công ngay từ mẻ dầu gấc đầu tiên. Đừng quên bỏ túi cách làm sản phẩm thiên nhiên vừa tốt cho sức khỏe vừa tốt cho sắc đẹp này nhé!