Lì xì Tết lấy may đầu năm chính là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của các nước phương Đông. Trong những ngày đầu tiên của năm mới, hồng bao được trao tay với mong muốn cầu chúc năm mới an lành, vạn sự như ý. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì đầu Xuân cũng như một số lưu ý cần tránh để có cái Tết trọn vẹn hơn nhé!
Tìm hiểu nguồn gốc của tập tục mừng tuổi dịp Tết
Lì xì là một phong tục quen thuộc của người Á Đông, trong đó có Việt Nam. Đây là văn hóa đặt tiền vào trong một chiếc phong bao lì xì để mừng tuổi cho người già hoặc trẻ nhỏ.

Phong tục lì xì Tết được bắt nguồn từ người Trung Hoa với truyền thuyết về một con yêu quái thường xuyên xuất hiện khi đêm giao thừa. Nó chuyên xoa đầu những đứa trẻ đang ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy nên các gia đình thường phải thức canh không cho yêu quái làm hại đến những đứa trẻ trong nhà.
Khi 8 vị tiên đi ngang qua trần gian thấy chuyện này và họ đã hóa thành những đồng tiền nằm cạnh những đứa trẻ. Cha mẹ chúng gói những đồng tiền tiên vào tấm vải màu đỏ để xua đuổi yêu quái. Khi con yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng làm nó bỏ chạy và lũ trẻ được ngon giấc.
Từ đó trở đi, cứ mỗi dịp Tết đến là người ta lại bỏ tiền vàng vào trong cái túi nhỏ màu đỏ để tặng con trẻ với mong muốn chúng chóng lớn, khỏe mạnh. Cũng từ đây mà phong tục lì xì đầu năm, mừng tuổi năm mới được lưu giữ đến hiện nay.
Ý nghĩa của tục lì xì Tết là gì?

Lì xì ngày đầu năm được người Việt từ xa xưa tiếp nhận và trở thành nét đẹp trong văn hóa với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến ngay từ những ngày đầu năm. Lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 mà chúng ta có thể tặng lì xì trong suốt 3 ngày Tết hoặc có nhiều nơi còn kéo dài đến mùng 9, mùng 10 Tết.
Theo phong thì vào sáng ngày mùng 1 Tết, mọi người trong nhà sẽ quây quần bên nhau dùng cơm, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Sau đó, mọi người sẽ cùng nhau đi chúc Tết người thân, họ hàng.
Hình ảnh bao lì xì Tết đỏ thắm tượng trưng cho những điều may mắn, thuận lợi cho cả một năm. Những ngày đầu năm, ông bà, bố mẹ sẽ mừng tuổi cho con cháu trong nhà đồng thời cũng là lúc để con cháu chúc thọ người lớn trong nhà. Đây cũng là dịp mà những người thân thiết có thể mừng tuổi, trao lộc cho nhau.
Những người họ hàng khi đến nhà chúc Tết mà có trẻ nhỏ cũng sẽ được gia chủ mừng tuổi và ngược lại khách đến chơi nhà cũng sẽ mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ tuổi của chủ nhà.

Một số lưu ý khi tặng bao lì xì Tết
Lì xì trong những ngày đầu năm thể hiện tình cảm và mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân yêu. Mỗi phong bao lì xì lấy lộc chứa bao nhiêu tiền cũng vẫn luôn là món quà tinh thần to lớn trong dịp đầu Xuân và cũng là nét đẹp cần được gìn giữ.
Số lượng tiền trong bao lì xì như thế nào là may mắn?
Lì xì Tết bao nhiêu là may mắn? Không ai quy định số tiền bắt buộc phải bỏ trong phong bao lì xì. Tùy từng gia đình, điều kiện kinh tế mà số tiền được bỏ trong phong bao mừng tuổi cũng khác nhau.
Có nhiều người cho rằng tiền trong lì xì nên là số lẻ với ngụ ý tiền bạc sẽ dư giả mãi ra. Nhưng cũng có nơi cho rằng tiền mừng tuổi nên là tiền chẵn với ý nghĩa trọn vẹn vì số lẻ lại mang ý nghĩa không đầy đủ, trọn vẹn.
Tuy nhiên, thay vì lì xì với những số tiền chẵn (50.000, 100.000, 200.000,…) thì những phong bao lì xì Tết hiện nay còn được sử dụng những tờ tiền số đẹp hoặc những tờ tiền lẻ mang ý nghĩa may mắn.

Một con số chẵn với ý nghĩa trọn vẹn chứa số 8 thường được nhiều người yêu thích. Vì số 8 có cách đọc gần như “phát” thể hiện phát tài, phát lộc mà bạn có thể tham khảo:
- Tiền có các số hoặc tổng số tiền là 168: Gặp nhiều may mắn trong học tập, công việc.
- Tiền có các số hoặc tổng số tiền là 178: Thịnh vượng, phú quý và đặc biệt là may mắn cho những người trong lĩnh vực kinh doanh.
- Tiền có các số hoặc tổng số tiền là 188, 88, 8888: Mau chóng phát tài, phát lộc, mọi sự hanh thông.
- Tiền có các số hoặc tổng số tiền là 1314: Thường được sử dụng khi lì xì Tết cho người yêu vì nó mang ý nghĩa là “trọn đời trọn kiếp bên nhau” – vốn là điều các cặp đôi mong muốn.
- Tiền có các số hoặc tổng số tiền là 9, 99, 999: Cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc và may mắn luôn trường tồn mãi với thời gian.
Một số điều cấm kỵ khi lì xì Tết đầu năm mới
Hình ảnh lì xì Tết mang nhiều ý nghĩa và văn hóa lâu đời trong nó và cũng là một sự chờ đợi, háo hức của các em nhỏ trong những ngày đầu Xuân năm mới. Khi thực hiện lì xì ngày Tết, có một số lưu ý bạn nên nhớ như sau:

Nên dùng bao lì xì đỏ hoặc vàng
Theo quan niệm của người xưa, phong bao lì xì Tết nên có màu đỏ để giống với sự tích của tập tục này. Hơn nữa, màu đỏ cũng là màu tượng trưng cho điều vui, may mắn và tài lộc. Tuy nhiên, quan điểm này đã được thay đổi với nhiều mẫu thiết kế lì xì Tết độc đáo, đẹp mắt hơn.
Tránh tiền có số 4 hoặc tổng số tiền có số 4
Không phải số chẵn nào cũng mang ý nghĩa trọn vẹn, ví dụ như số 4 vì nó đọc là “tứ” – gần với từ “tử” nên mọi người thường kỵ số 4. Trong phong bao lì xì không nên đặt 40.000, 400.000 mà nên dùng những số khác nhé!
Không lì xì tiền quá cũ
Đầu năm mới, người ta thường mong muốn tiếp nhận những điều mới mẻ, bỏ lại những điều đã cũ. Ngoài ra, tiền cũ trong phong bao lì xì cũng được cho là mang lại âm khí xấu. Vì vậy, dịp gần Tết, người ta lại băn khoăn không biết đổi tiền lì xì Tết ở đâu. Nên lựa chọn một ngân hàng hoặc người quen để đổi một khoản tiền lẻ để lì xì, đi chùa, đi đền… cho những ngày đầu năm mới thật trọn vẹn nhé!
Không nhận bao lì xì bằng một tay

Khi được tặng phong bao lì xì, người nhận dù là người lớn hay trẻ nhỏ cần phải nhận bằng 2 tay để bày tỏ được sự tôn trọng với người đã tặng bao lì xì. Điều này khá nhỏ nhặt nhưng cũng thể hiện sự giáo dục của gia đình, bạn nên dặn dò trẻ để tạo được thói quen tốt cho bé nhé!
Không bóc phong bao trước mặt người tặng hoặc chê, đòi thêm tiền lì xì
Việc mở phong bao lì xì trước mặt người tặng là một hành động mất lịch sự, thiếu tôn trọng và xem nhẹ tấm lòng của người tặng. Hơn nữa, hiện nay không ít trẻ nhỏ khi được tặng bao lì xì liền kiểm tra và tỏ ý chê ít, vòi thêm lì xì từ người lớn.
Lì xì Tết ý nghĩa là để tặng may mắn, lấy lộc chứ không phải để làm giàu. Vì thế, hành động này của bé không chỉ làm mất ý nghĩa truyền thống mà còn khiến người tặng không được vui ngay trong những ngày đầu năm.
Một số cách lì xì Tết độc đáo phổ biến hiện nay
Thay vì đặt tiền đều nhau trong các phong bao lì xì và mừng tuổi cho từng trẻ thì hiện nay, người ta có nhiều cách lì xì độc đáo như:

Sử dụng các mẫu phong bao lì xì Tết Việt mới mẻ
Việc thiết kế và in lì xì Tết độc đáo rất thịnh hành một vài năm trở lại đây. Những phong bao mừng tuổi độc lạ với những câu nói bắt trend, hình vẽ chibi các nhân vật nổi tiếng, icon vui nhộn hình con vật,… được các em nhỏ vô cùng hào hứng đón nhận.
Bạn có thể tham khảo các mẫu phong bao lì xì mới để dành tặng các bé còn những chiếc lì xì màu đỏ, vàng truyền thống với câu đối, chúc Tết truyền thống sẽ phù hợp tặng người lớn, ông bà và cha mẹ nhé! Ngoài ra nếu khéo tay và có thời gian, bạn có thể học cách làm bao lì xì Tết đơn giản để tặng mọi người thân yêu của mình nhé!
Thay đổi cách lì xì đầu năm
Thay vì cách đưa phong bao mừng tuổi trực tiếp cho mọi người thì bạn có thể đổi mới bằng cách chơi những trò chơi, bốc thăm lì xì, hái lì xì được treo trên cành mai, cành đào,… Thay vì đặt những đồng tiền mệnh giá bằng nhau, bạn có thể đặt ngẫu nhiên các mệnh giá vào từng bao lì xì và để trẻ vui chơi, bốc thử vận may ngày đầu năm của mình.

Ngoài ra, với những người ở xa thì việc lì xì đầu năm qua các ứng dụng điện tử (momo, Zalo Pay…) vừa nhanh chóng, tiện lợi cũng được nhiều người trẻ lựa chọn.
Lì xì Tết bằng hiện vật
Ngoài tiền mặt, trong phong bao lì xì có thể đặt các loại voucher, vé xem phim, thẻ quà tặng, trang sức,… Tùy từng đối tượng nhận lì xì mà bạn có thể thay đổi phong bao của mình cho phù hợp.
Kết luận
Với những thông tin vừa rồi, hy vọng quý vị đã hiểu hơn về ý nghĩa của tục lì xì Tết. Tuy nhỏ bé nhưng những bao lì xì đầu năm sẽ góp phần làm cho không khí vui vẻ, may mắn hơn. Bạn hãy có những chuẩn bị chu đáo để mang lại sự bất ngờ cho mọi người khi nhận lì xì ngày đầu năm mới nhé!